Bộ luật Dân sự qua các thời kỳ
- 423
Trong lịch sử phát triển của pháp luật dân sự Việt Nam qua các thời kỳ, có 03 Bộ luật Dân sự đã được ban hành. Dưới đây là tổng hợp của LuatVietnam về các Bộ luật này.
Bộ luật Dân sự 1995, số 44-L/CTN là Bộ luật Dân sự đầu tiên của Việt Nam. Bộ luật này được ban hành ngày 28/10/1995 và có hiệu lực áp dụng từ 01/07/1996. Bộ luật có 7 Phần và 838 Điều.
Kế thừa và phát triển pháp luật dân sự Việt Nam từ trước đến nay, cụ thể hoá Hiến pháp năm 1992, Bộ luật này có vị trí quan trọng trong hệ thống pháp luật nước nhà, tạo cơ sở pháp lý nhằm tiếp tục giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát huy dân chủ, bảo đảm công bằng xã hội, quyền con người về dân sự.
Bộ luật Dân sự quy định địa vị pháp lý của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác, quyền, nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân trong giao lưu dân sự, xây dựng chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của các chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự.
Bộ luật này đã được thay thế bởi Bộ luật Dân sự 2005.
Bộ luật số 33/2005/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 14/06/2005 và áp dụng từ ngày 01/01/2006. Bộ luật ngày gồm 7 Phần, 36 Chương và 777 Điều.
Bộ luật dân sự quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác; quyền, nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
Một trong những nội dung mới nổi bật của Bộ luật Dân sự 2005 so với Bộ luật năm 1995 là quy định về quyền hiến bộ phận cơ thể (Điều 33), Quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết (Điều 34), Quyền nhận bộ phận cơ thể người (Điều 35).
Bộ luật này được thay thế bởi Bộ luật Dân sự 2015.
Bộ luật Dân sự mới nhất, đang được áp dụng hiện nay là Bộ luật Dân sự 2015, số 91/2015/QH13. Bộ luật được ban hành ngày 24/11/2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.
Bộ luật này có 6 Phần, 27 Chương và 689 Điều, quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.
Một trong những điểm mới nổi bật của Bộ luật này là cho phép chuyển đổi giới tính (Điều 37); cho phép các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác (Điều 468)…
https://luatvietnam.vn/
Tin tức liên quan
Đánh giá bài viết!