Hà Nội: Ở chung cư giá 2,5 tỷ đồng, đang ăn cơm tường rơi vào giữa mâm
- 444
"Sáng ra chưa gió máy gì, không ai động đến mà tường đã rụng lả tả. Một ngày tôi phải quét nhà không biết bao nhiêu lần", vừa mở cửa đón khách vào thăm nhà, bà Nguyễn Thị Thu Hà (55 tuổi) vừa lấy chân gạt vội đám bụi mới rơi xuống từ bức tường ngăn giữa phòng ngủ và phòng vệ sinh của gia đình.
Ai lần đầu thấy cảnh tượng này cũng không khỏi kinh ngạc nhưng bà Hà nói, đây là chuyện xảy ra "như cơm bữa" với mẹ con bà suốt 8 năm nay.
Không chỉ khu vực tiếp khách, tường ở bếp và không gian phơi đồ chật hẹp của nhà bà cũng lở loét từng mảng lớn, để lộ ra màu xám ngoét của xi măng xen lẫn rêu mốc.
Năm 2014, bà Hà cùng hai con trai từ phố Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) chuyển tới nhà 808, tòa A6C thuộc khu tái định cư Nam Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy). Cả khu gồm 4 tòa chung cư 11 tầng với 440 căn hộ, diện tích 36-57m2, được chính quyền sắp xếp cho người dân ở các phố Ô Chợ Dừa, Khâm Thiên, Hàng Bồ, Hàng Cót… dọn về sinh sống sau khi nhà cũ được thu hồi.
Nhận bàn giao căn hộ 40m2, ban đầu, bà Hà phấn khởi vì nhà cửa khang trang, mẹ con bà có thể yên tâm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm, hạ tầng nhanh chóng xuống cấp khiến cuộc sống của họ đảo lộn.
Câu chuyện của gia đình bà Hà không phải là cá biệt.
Được đưa vào sử dụng từ năm 2010, khu tái định cư A6 Nam Trung Yên nằm ở vị trí đắc địa, "đất vàng" của quận Cầu Giấy. Nhưng chưa đầy 15 năm, 4 tòa chung cư ở đây đã xuống cấp trầm trọng.
Thực tế, hiện tượng này đã xảy ra từ khoảng năm 2014-2015. Phía ngoài các tòa nhà, nhiều mảng tường lớn bong tróc, lở loét có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường. Chỉ cần chạm nhẹ, vụn tường rơi ra lả tả. Tổng thể nhìn nhếch nhác và mất mỹ quan đô thị.
Tình trạng này ngày càng nặng nề hơn, đặc biệt sau trận bão Yagi vừa qua. Dọc lối đi của cư dân, một số chỗ tường rụng hết vữa, lộ cả gạch gây nguy hiểm vì bất kể lúc nào cũng có thể rớt xuống.
Bên trong các tòa nhà, bậc cầu thang nứt gãy, những đoạn tường dọc dãy hành lang sần sùi, phồng rộp do đường ống kẽm hư hại rỉ nước lâu ngày. Nhiều người dân tái định cư không có khả năng bỏ ra vài trăm triệu đồng để sửa sang nhà cửa. Bởi vậy, họ chấp nhận sống trong cảnh bất an, đi không được, ở cũng không xong.
Trí nhớ sa sút do tuổi đã cao, bà Nguyễn Thị Hoa (77 tuổi) không còn nhớ mình dọn từ phố Ô Chợ Dừa về căn hộ 309, tòa A6C từ khi nào. Chồng và 3 con trai đã mất, con gái ở riêng, bà cùng vợ chồng cháu trai và hai chắt, tổng cộng là 5 khẩu, chia nhau không gian vỏn vẹn 40m2.
Sau một thời gian sinh sống, bà Hoa nhận thấy khu vực tiếp khách, bếp và phòng ngủ dần bong tróc, rơi lả tả xuống nền. Để trông đỡ tuềnh toàng, bà kêu cháu mua giấy dán tường về che đi những vết lở loét lớn trong nhà.
"Nhiều khi hai đứa chắt nghịch, nâng lên hạ xuống rồi làm rách giấy dán để lộ bức tường xấu xí, tôi cũng đành kệ", bà nói.
Khu vực bếp nhà bà Hoa là bong tróc nặng nhất, gần như không còn chỗ nào nguyên vẹn. Sơn đã bay hết để lộ xi măng và cả gạch nham nhở.
Bà Hoa đã già yếu, chân không đi lại được, cháu trai chạy xe ôm công nghệ, cháu dâu đi làm thuê, thu nhập chỉ đủ nuôi 5 miệng ăn Bởi vậy, dù sống trong cảnh nhếch nhác và mất vệ sinh khi tường lở loét, gia đình cũng không nghĩ đến chuyện sửa nhà.
Từ năm 2016, khi trần và tường nhà bắt đầu xuất hiện ẩm mốc, sau đó dần bong tróc, rơi từng mảng xuống, bà Nguyễn Thị Thu Hà từng thuê người quét sơn nước để che đi những phần nhếch nhác. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, sơn bong ra, đâu lại vào đấy.
"Có hôm, ba mẹ con tôi đang ngồi ăn trưa, gió thổi mạnh khiến từng mảng tường rơi cả vào mâm cơm. Đứng nấu nướng mà bụi bay vào nồi niêu cũng là chuyện rất bình thường", người phụ nữ 55 tuổi cười khổ kể lại.
Chỉ tay vào phía đằng sau chiếc tivi bám bụi, bà Hà lắc đầu nói khu vực này khô ráo nhưng không tránh khỏi bị bong tróc. Nhiều năm nay, bà không sắm sửa đồ đạc mới vì lo hư hỏng.
Đợt bão Yagi càn quét, bà Hà lo nơm nớp, sợ gió mạnh thổi bay cửa sổ ở bếp vì tường xung quanh đã lở loét hết, không còn chắc chắn. Nhét giẻ vào từng kẽ hở để tránh gió, bà chưa từng có cảm giác bất an như thế trong 10 năm dọn về đây.
Chừng đó cũng là khoảng thời gian bà Hà phải sống chung với cảnh tường rơi vỡ, ẩm mốc, hôi hám, mất vệ sinh vì không có tiền sửa nhà.
"Người ta nói với tôi giờ phải có trong tay 200-300 triệu đồng mới tính đến chuyện sửa sang triệt để, thay thế toàn bộ đường ống nước, cạy hết tường ra sơn lại. Nếu không, cứ chắp vá tạm bợ, chỉ được một thời gian rồi đâu lại vào đấy", bà nói.
Bà Hà là lao động chính trong nhà, một mình nuôi con trai lớn bị thiểu năng trí tuệ, con trai út đang học đại học. Nhờ quán hàng nước nhỏ dưới sân chung cư, bà túc tắc kiếm được hơn 100.000 đồng/ngày, mỗi tháng thu nhập chỉ 5-6 triệu đồng. Do đó, việc sửa sang lại nhà cửa lúc này là quá sức của bà.
Mặc dù hạ tầng khu tái định cư A6 Nam Trung Yên xuống cấp nghiêm trọng, các căn hộ tại đây vẫn được rao bán với giá dao động 60-70 triệu đồng/m2, theo khảo sát từ một số trang bất động sản.
Cụ thể, một căn hộ ở tầng 10 tòa A6D có diện tích 57,2m2 (2 phòng ngủ, một nhà vệ sinh) được rao bán với giá 4,1 tỷ đồng (71,68 triệu đồng/m2). Cùng tầng và cùng tòa, một căn hộ khác rộng 60m2 được chào bán 4,1 tỷ đồng (68,33 triệu đồng/m2).
Ở tòa A6A, căn hộ 38m2 (một phòng ngủ, một nhà vệ sinh) được rao bán 2,55 tỷ đồng (67,1 triệu đồng/m2). Một căn hộ khác rộng 39m2 được đề giá 2,38 tỷ đồng (khoảng 61 triệu đồng/m2).
Nhiều người dân cho biết, nhà ở khu tái định cư này vẫn có giá nhờ tọa lạc ở vị trí đắc địa, gần Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, siêu thị Big C Thăng Long và nhiều cơ quan hành chính Nhà nước. Nơi đây cũng gần chợ Nam Trung Yên, Trường THCS Nam Trung Yên, Trường THPT Lương Văn Can, tòa Keangnam, giao thông thuận tiện.
Bà Vũ Thị Nguyệt - Tổ trưởng Tổ dân phố số 51 (phường Trung Hòa), Phó trưởng ban quản trị tòa nhà A6B Nam Trung Yên - cho biết hiện tại, khu tái định cư có 436 hộ dân sinh sống. Ngoài phần vỏ của các tòa nhà, nhiều hạng mục bên trong cũng đã xuống cấp trầm trọng.
Hệ thống thang máy được đưa vào sử dụng từ năm 2010, những năm qua liên tục xảy ra trục trặc, nhiều lần rơi tự do khiến cư dân sợ hãi. Từ năm 2021, thang máy không được kiểm định. Máy phát điện hàng chục năm nay đã không hoạt động.
Không ít cặp vợ chồng trẻ mua căn hộ ở khu này để tiện đi làm, cho con đi học ở quận Cầu Giấy hay những khu vực lân cận. Cũng có trường hợp gia chủ "đập đi xây lại" bên trong nhà để tiện nghi hơn trong sinh hoạt.
Trong khi đó, một số cư dân đã lớn tuổi như bà Nguyễn Thị Hoa hay bà Nguyễn Thị Thu Hà không có ý định bán nhà hay chuyển đi đâu khác mà chấp nhận "có sao ở vậy".
Ban quản trị các tòa nhà đã nhiều lần vận động cư dân đóng góp để sửa chữa thang máy, có lần chi phí lên tới 20-30 triệu đồng nhưng vẫn không đảm bảo an toàn. Theo bà Nguyệt, việc góp đủ 300-400 triệu đồng để thay thang máy mới là không thể với người dân tái định cư.
Bà Nguyệt thông tin thêm hiện nay, dưới tầng một mỗi tòa nhà có hơn 200m2 thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Dù muốn, ban quản trị cũng không được phép khai thác và không hề có nguồn thu nào để hỗ trợ công tác sửa chữa các hạng mục của tòa nhà khi hỏng hóc.
"Điều chúng tôi mong mỏi nhất là thành phố sẽ cử một đoàn công tác liên ngành bao gồm đại diện thành phố, Ủy ban nhân dân các cấp, Sở Xây dựng, Sở Tài chính và đơn vị trực tiếp được thành phố ủy quyền là Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội trực tiếp xuống đây khảo sát để chúng tôi có những tiếng nói cụ thể nhất và tháo gỡ những bất cập", Tổ trưởng Tổ dân phố số 51 nói.
https://vietnamfinance.vn
Tin tức liên quan
Đánh giá bài viết!